Lựa chọn theo lĩnh vực

Đất Nước Của Đá Quý Và Đạo Phật - Myanma

Nhìn ra Thế Giới 14,639 lượt xem

Đất Nước Của Đá Quý Và Đạo Phật - Myanma

Nhắc đến Myanma người ta buộc phải nhắc đến hai đặc trưng lớn nhất của đất nước này. Sự kính gưỡng Đạo Phật và những viên Hồng Ngọc có chất lượng tuyệt hảo. Hai đặc trưng này có sự liên quan chặt chẽ với nhau đặc biệt liên quan chặt chẽ đến truyền thuyết về Phong Thủy.

Theo cách nhìn của Phong Thủy Học nguồn gốc của toàn bộ nguồn Sinh Khí của nửa đông bán cầu đều được xuất phát từ dãy Hymalaya hùng vĩ, địa mạch này chạy dọc theo hướng Tây Bắc – Đông Nam xuyên qua dãy Côn Lôn của Trung Hoa, tỏa rộng ra toàn bộ khu vực Đông Nam Á và dường như nó kết thúc tại Biển Đông của Việt Nam. Nói một cách hình tượng thì toàn bộ mạch Sinh Khí này tựa như một con rồng khổng lồ mà đầu là khu vực Hymalaya và đuôi ở tại Việt Nam. Myanma đặc biệt nằm ngay tại vị trí bụng của con rồng, vì thế mà nơi đây thừa hưởng nhiều Sinh Khí có được nguồn Đá Hồng Ngọc cực kỳ phong phú với chất lượng rất tuyệt hảo, đồng thời nó cũng là vùng được Đạo Phật chọn lựa làm cái nôi phát triển vững chắc của mình. Người ta cho rằng những viên đá đỏ lóng lánh ấy là máu của rồng, thậm chí chính là những mảnh của trái tim rồng.

Myanma nổi tiếng khắp thế giới trong việc sản xuất đá quý và ngọc. Đất nước này sở hữu nhiều viên ngọc lớn nhất thế giới như viên Ruby 21.450 cara, viên Sapphire 63.000 cara, viên Peridot 329 cara và viên Ngọc trai 845 cara. Có đến 6 khu mỏ đá quý và ngọc bích trên khắp nước Myanma: Mogok, Mongshu, Lonkin - Phakant, Khamhti, Moenyin và Namyar. Trong đó có "Thung lũng Hồng ngọc", khu vực Mogok nhiều núi non cách Mandalay 200km về phía bắc. Nơi đây nổi tiếng bởi loại ngọc màu huyết và ngọc bích hiếm hoi trị giá hàng nghìn đôla mỗi viên.

Từ năm 2000, chính phủ Myanma đã hợp tác với 10 công ty tư nhân để tiến hành khai thác chúng. Nghề kinh doanh ngọc và đá quý cũng đã phát triển rất mạnh từ năm 1946 cho đến nay, đem về cho Myanma khoảng trên 450 triệu đôla mỗi năm. Khối đá ngọc bích lớn nhất thế giới dài 21m, rộng 4,8m, cao 10,5m và nặng khoảng 3.000 tấn, được tìm thấy vào năm 2000 dưới 12m đất sâu ở vùng Phakant, Kachin. Khối ngọc này đã được công ty chuyên về ngọc bích của nhóm người tự do Pa - O tặng cho chính phủ Myanma.

Nếu như bạn đã một lần có dịp đến Myanma hãy đến thăm phiên chợ đá quý tại Yangon. Đây là nơi tụ tập buôn bán lớn nhất của tất cả những thương lái buôn đá quý lớn nhất trên thế giới. Hàng ngày có đến vài ngàn lượt người từ khắp các châu lục và các vùng của Myanmar đến đây mua bán, trao đổi đá quý, hồng ngọc... thuộc loại hàng hiếm nhưng giá lại cực rẻ, chưa đến phân nửa giá trên thị trường thế giới.

Ở Yangon khi bạn bước vào chợ đá quý là một thế giới hoàn toàn khác. Mấy trăm gian hàng kinh doanh đá quý, hồng ngọc, đồ lưu niệm bằng đá quý sáng lấp lánh dưới ánh đèn, người qua lại tấp nập, trao đổi mua bán thật náo nhiệt. Khách vào chợ đá quý đủ mọi màu da, lứa tuổi, trao đổi bằng đủ mọi ngôn ngữ. Những bà bán hàng mời chào khách bằng tiếng Anh thuần thục như tiếng mẹ đẻ. Người ta bày đá quý trong tủ kính, treo trên quầy và bày cả ra vỉa hè để bán. Khách có thể tự do lựa chọn, mặc cả thậm chí mượn một chuỗi ngọc quý để chụp hình, đi dạo thử một vòng rồi trả lại mà chủ nhân vẫn vui vẻ đồng ý, không hề cằn nhằn, không sợ bị lấy mất. Nhiều viên đá quý đắt tiền đến vài chục nghìn, vài trăm nghìn đô vẫn được bày bán như đồ nhân tạo ngay bên lề đường.

Một bà chủ quầy bán đá quý lớn nhất ở chợ, cho biết bà buôn bán ở đây gần 30 năm nhưng chưa bao giờ gặp chuyện mất trộm hoặc cướp bóc đá quý tại đây. Bà nói “Đối với chúng tôi luật pháp là một chuyện. Quan trọng là truyền thống văn hóa Phật Giáo của người Myanmar chúng tôi. Cái gì của mình thì mình nhận, còn của người khác mình có lấy trộm thì cũng chẳng bao giờ giữ được. Đức Phật đã dạy như vậy!”.

Dường như trong tâm hồn của mỗi người dân Myanma đều ẩn chứa một Tâm chí thiện của Đức Phật, họ sống, làm ăn, sinh hoạt với một cái tâm bình thản, hầu như không có gì đó giống như tà niệm khởi lên nơi họ. Theo các thống kê về tội phạm trên thế giới, mặc dù Myanma là một đất nước có đời sống bình quân đầu người khá thấp, đang chịu cấm vận của Mỹ và Châu Âu, song tỷ lệ tội phạm ở đây rất thấp. Hồng Ngọc, Vàng là những thứ quý báu của thế gian, nhưng đối với người Myanma thì nó không thể quý bằng những điều mà Đức Phật đã tuyên thuyết. Đi cúng dường Phật, các vị Tăng sĩ, đọc kinh cầu nguyện, bố thí cho người nghèo dường như là cái gì đó rất bình thường trong cuộc sống của họ. Trong các chùa của Myanma bạn có thể gặp dễ dàng các pho tượng Phật được các Phật tử thếp vàng lá mỏng, trải qua nhiều đời lớp vàng đó đã dày đến hàng tấc phủ kín pho tượng. Hồng Ngọc, Lục Bảo thuộc loại thượng hạng cũng được họ cung kính khảm nạm trang trí cho các pho tượng Phật khổng lồ. Hơn thế nữa trong một số chùa ở Myanma các viên Xá Lợi của Đức Phật và các vị Thánh Tăng Đắc Đạo cũng được bảo trì lấp lánh trong các bảo tháp như những báu vật từ những tâm hồn thánh thiện.

Các viên đá quý đôi khi được người trong thế gian nhìn nhận như nguồn gốc gây ra tội ác, có biết bao viên đá quý, kim cương được gắn liền với vô số bi kịch đẫm máu. Nhưng hãy đến Myanma một lần để chúng ta cùng giác ngộ một điều căn bản: Nguồn gốc tội ác chính là sự vô minh trong tâm thức chúng ta, chứ không hề nằm trong những viên đá quý lóng lánh vốn là báu vật của đất trời. Khi đó mỗi chúng ta đều thấy có trong lòng mình một mảnh của trái tim rồng - một viên đá Hồng Ngọc chân chính.

Phongthuy.com.vn Tổng hợp !


Nhìn ra Thế Giới liên quan khác

Đăng ký tư vấn dịch vụ

Chào bạn. 👋 Hãy để lại thông tin của bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ cho bạn trong thời gian sớm nhất.